Giới thiệu
Giá cước vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không trên khắp thế giới đã tăng lên mức kỷ lục khi các doanh nghiệp cố gắng đáp ứng nhu cầu tăng cao trong mùa Giáng sinh sắp tới.
Giá cước vận tải hàng không tăng cao kỷ lục (Ảnh: ACI)
Giá cước hàng không đã tăng gần gấp đôi
Giá cước hàng không đã tăng gần gấp đôi trên các tuyến đường hàng không quan trọng nối các trung tâm sản xuất ở Trung Quốc với người tiêu dùng ở Mỹ và châu Âu trong ba tháng qua, khiến ngành vận tải hàng không phải vật lộn để tìm đủ máy bay để đáp ứng nhu cầu.
Giá cước vận chuyển hàng không trên các tuyến đường từ Thượng Hải đến Bắc Mỹ lần đầu tiên đạt 14 usd/kg vào tuần trước, tăng từ 8 usd so với cuối tháng 8 và cao hơn mức kỷ lục trước đó là 12 usd đạt được khi đại dịch lần đầu tiên tấn công chuỗi cung ứng toàn cầu vào đầu năm 2020.
Theo dữ liệu từ Baltic Exchange Airfreight index và TAC Freight, các nhà cung cấp dữ liệu vận chuyển hàng hóa, cũng có mức tăng tương tự từ Hồng Kông đến châu Âu và Mỹ, và trên các tuyến đường xuyên Đại Tây Dương giữa Frankfurt và Bắc Mỹ.
Yngve Ruud, trưởng bộ phận vận tải hàng không toàn cầu của Kuehne + Nagel, một trong những công ty giao nhận hàng hóa lớn nhất thế giới, cho biết: “Mọi người đều biết nếu muốn thứ gì đó lên kệ trước Giáng sinh thì họ phải sử dụng đường hàng không”.
Các doanh nghiệp đã vận chuyển các sản phẩm hoàn chỉnh như hàng thời trang và điện tử tiêu dùng bằng đường hàng không, cũng như các bộ phận bao gồm phụ tùng ô tô hoặc chất bán dẫn.
Các nhà điều hành trong ngành hàng không cũng đã gấp rút đặt hàng các dụng cụ test Covid-19 và thiết bị bảo vệ cá nhân để đối phó với biến thể virus corona Omicron.
Các chuỗi cung ứng toàn cầu luôn bận rộn nhất trong quý IV vì doanh số bán hàng cho dịp Black Friday và Giáng sinh, nhưng nhu cầu tăng đột biến theo mùa khiến ngành hàng không phải chịu áp lực rất lớn.
Nhiều chủ hàng đã chuyển sang vận chuyển hàng không sau sự hỗn loạn trong ngành vận tải biển, do bị thiếu container và tắc nghẽn tại các cảng lớn.
Nhiều chủ hàng đã chuyển sang vận chuyển hàng không do sự hỗn loạn trong ngành vận tải biển
Thông thường, một nửa lượng hàng hóa sẽ được vận chuyển bằng máy bay chở khách, nhưng nhiều máy báy này đã ngưng hoạt động trong thời kỳ đại dịch và khi các hãng hàng không được khuyến nghị bay trở lại, nó vẫn chưa thể đáp ứng được nhu cầu các chuyến bay kết nối các trung tâm thương mại lớn. Omicron cũng đe dọa sẽ làm gián đoạn lưu thông của hành khách.
Tổng giám đốc WTO cho biết các vấn đề về chuỗi cung ứng có thể kéo dài trong nhiều tháng. Một số hãng hàng không vận chuyển hành khách đã chuyển sang vận chuyển hàng hóa bằng cách tận dụng máy bay chở khách của mình. Và các công ty vận tải hàng không chuyên dụng như FedEx và DHL cũng đã nỗ lực giải quyết những khó khăn.
Tuy nhiên, theo Marco Bloemen, trưởng nhóm tư vấn hàng hóa tại Seabury Consulting, một chi nhánh của Accenture, ngành hàng không vẫn giảm 13% công suất so với năm 2019.
Bloemen cho biết, sự thiếu hụt diễn ra khi nhu cầu đã tăng 6% so với cùng thời điểm, dẫn đến khoảng cách giữa cung và cầu gần 20 điểm phần trăm.
Ngay cả việc mở lại du lịch xuyên Đại Tây Dương cũng không giúp ích được gì vì các hãng hàng không đã chuyển công năng máy bay trở lại từ chở hàng hóa sang chở hành khách, và sức tải bị hạn chế vì khách du lịch giải trí, những người có xu hướng mang theo nhiều vali, đã quay trở lại nhanh hơn so với nhóm khách doanh nhân, Ruud nói.
Giá vận tải lộn xộn
Giá giữa Frankfurt và Bắc Mỹ đã tăng từ 3,50 USD lên 5,40 USD/kg kể từ khi chính quyền Biden thông báo sẽ mở lại biên giới cho du khách quốc tế.
Sân bay East Midlands, một trung tâm vận chuyển hàng hóa lớn ở Anh, dự kiến sẽ khai thác 470.000 tấn hàng hóa trong năm nay, tăng so với mức 370.000 tấn trước đại dịch.
“Những công ty đã dựa vào chỗ trên máy bay chở khách để vận chuyển hàng hóa có khả năng sẽ tiếp tục sử dụng các dịch vụ vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không chuyên dụng cho đến khi các tuyến vận chuyển hành khách xuyên Đại Tây Dương trở lại mức trước đại dịch, Clare James, giám đốc điều hành của sân bay cho biết.
Theo Bharat Ahir, giám đốc điều hành của công ty tư vấn chuỗi cung ứng 28one, với các chuỗi cung ứng đang bị căng thẳng, tác động cuối cùng sẽ được cảm nhận bởi người tiêu dùng.
“Có hai tác động rõ ràng – khả năng cung ứng sẽ thấp hơn và những gì bạn có sẽ đắt hơn,” ông nói.
Theo The Financial Times